top of page

LEAN LÀ GÌ? LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

1. SƠ LƯỢC NGUỒN GỐC LEAN , LỊCH SỬ HÌNH THÀNH CỦA LEAN


Từ những năm 1950, người sáng lập Toyota – Kiichiro Toyoda – đã bắt đầu phát triển Hệ thống sản xuất của Tyota (Toyota Production System – TPS) với nhiều nguyên lý và phương pháp mà Lean Manufacturing kế thừa sau này. Cùng với Taiichi Ohno, TPS đã được triển khai rộng khắp trong toàn hệ thống của Toyota và mang lại những thành tích kỳ diều cho hãng xe này về năng suất và chất lượng.


Ở quy mô toàn cầu, khái niệm Lean Manufacturing là một phiên bản của TPS được quốc tế hóa.


Những hệ thống nguyên lý và phương pháp của TPS dần dần được thừa nhận một cách rộng rãi trên thế giới khi giáo sư James Wommack viết và cho xuất bản cuốn sách "LEAN – The Machine That Changed The World" (tạm dịch là "LEAN – Cỗ máy thay đổi thế giới") vào năm 1990. Từ đó đến nay, Lean Manufacturing đã được ứng dụng rộng rãi trên toàn thế giới như là một chiến lược cơ bản giúp các doanh nghiệp cải thiện năng lực tác nghiệp để hướng đến mô hình hoàn hảo (Operational Excellence). Các điển hình về theo đuổi Lean Manufacturing với các thành công và bài học kinh nghiệm đã được ghi nhận có thể kể đến

General Electric, Boeing, Lockheed Martin, Intel, Nike, …

2. LEAN LÀ GÌ ?

Theo nghĩa đen, “Lean” là phần thịt, cơ bắp tinh gọn nhất trong cơ thể của con người. Một thân hình thon gọn giúp bạn khỏe mạnh, dẻo dai và bền bỉ. Ngược lại, một cơ thể với nhiều mỡ thừa sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại và vận động. Chúng ta có thể thấy rõ, một cơ thể thon gọn, nhanh nhẹn sẽ tạo ra nhiều giá trị hơn một cơ thể với nhiều phần mỡ dư thừa được xem như lãng phí trong trường hợp này.

Trong bối cảnh hiện tại, Lean là cách tư duy, suy nghĩ và nỗ lực không ngừng nhằm tối đa hóa giá trị cung cấp cho khách hàng bằng cách loại bỏ hoặc giảm thiểu những lãng phí, liên tục cải tiến trong toàn bộ hệ thống vận hành doanh nghiệp bởi tất cả mọi người, mọi lúc, mọi nơi. Đơn giản, lean có nghĩa là tạo ra nhiều giá trị hơn cho khách hàng – với một lượng tài nguyên ít hơn. Ngày nay, Lean không chỉ áp dụng trong sản xuất mà còn được ứng dụng mạnh mẽ ở rất nhiều lĩnh vực lĩnh vực công nghiệp dịch vụ như: hàng không, ngân hàng, bệnh viện,…

3. MỤC TIÊU CỦA LEAN ?


- Giảm thời gian chuẩn bị sản xuất. Cải thiện tối đa chu kỳ sản xuất. Giảm thời gian quy trình và chu kỳ sản xuất bằng cách giảm tối đa thời gian chờ đợi giữa các công đoạn, cũng như thời gian chuẩn bị cho quy trình và thời gian chuyển đổi mẫu mã hay quy cách sản phẩm.

- Cải thiện cách bố trí nhà máy dựa trên việc sắp xếp lưu chuyển nguyên liệu hiệu quả.

- Giảm những nguồn lực cần cho việc kiểm tra chất lượng.

Một cách hiểu khác về Lean, đó là việc nhắm đến mục tiêu: với cùng một mức sản lượng đầu ra nhưng có lượng đầu vào thấp hơn – ít thời gian hơn, ít mặt bằng hơn, ít nhân công hơn, ít máy móc hơn, ít vật liệu hơn và ít chi phí hơn.


4. LỢI ÍCH CỦA LEAN


· Cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm:

- Cải thiện năng suất lao động, bằng cách vừa giảm thời gian nhàn rỗi của công nhân, đồng thời phải đảm bảo công nhân đạt năng suất cao nhất trong thời gian làm việc (không thực hiện những công việc hay thao tác không cần thiết)

- Mỗi nhân viên/ công nhân trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào quá trình tạo sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ sẽ có nhận thức, tư duy rõ ràng về khái niệm Giá trị và các hoạt động gia tăng giá trị cho khách hàng trong công việc của mình, từ đó tích cực đóng góp vào chuỗi giá trị của toàn tổ chức để cung cấp cho khách hàng theo nguyên tắc Chất lượng ngay từ nguồn (Quality at source). Từ đó, chất lượng sản phẩm được đồng đều và cải thiện.

· Giảm thiểu lãng phí:

- Cả những lãng phí hữu hình và vô hình do tồn kho quá mức cần thiết, kể cả tồn kho bán thành phẩm dang dở giữa các công đoạn (WIP/ Work-In-Process) lẫn thành phẩm nhờ vận dụng nguyên lý Just In Time.


· Rút ngắn thời gian sản xuất:

-Với thời đại ngày nay, thời gian là yếu tố vô cùng quan trọng của các doanh nghiệp. Những doanh nghiệp đảm bảo chất lượng đơn hàng mà thời gian giao hàng nhanh hơn của đối thủ, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp. Rút ngắn thời gian hoàn thành không chỉ do cắt giảm thời gian chờ đợi mà còn cắt giảm thời gian do các hoạt động: công đoạn thừa, các thao tác sai.


· Linh hoạt đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của khách hàng:

- Mọi hoạt động hay chi phí của các doanh nghiệp đều được tối ưu hóa, linh hoạt hơn. Các khâu hay bước trong quy trình không cần thiết sẽ bị loại bỏ. Doanh nghiệp của bạn có thể áp dụng nhiều chiến lược phát triển hay đẩy mạnh kinh doanh trong cùng một khoảng thời gian.


· Tạo môi trường làm việc công bằng, tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau:

-Khi ứng dụng chiến lược sản xuất tinh gọn thành công, người lao động sẽ được trao quyền tham gia vào cải tiến chất lượng sản phẩm, điều đó thúc đẩy tinh thần cống hiến trong họ. Tạo cho người lao động luôn cảm thấy hài lòng về nơi làm việc.

TỔNG KẾT :

Sản xuất Lean hay còn gọi là Sản xuất tinh gọn (Lean Manufacturing), hiện nay không còn xa lạ gì với chúng ta và một số doanh nghiệp, thuật ngữ Lean xuất phát từ triết lý sản xuất và tư duy cải tiến từ hệ thống sản xuất nổi tiếng trên thế giới, Toyota Production System (TPS). Hiện nay phương thức sản xuất Lean đã và đang được áp dụng ngày càng trở nên phổ biến, nhằm loại bỏ lãng phí cùng việc giảm thiểu những bất hợp lý trong quy trình sản xuất nhằm tối ưu hóa hệ thống vận hành của doanh nghiệp.


bottom of page