Nếu ai đó hỏi bạn Lean là gì ? Tôi dám chắc là có đến hơn 90% sẽ trả lời là: phương thức sản xuất tinh gọn. Câu trả lời này không sai nhưng quá rập khuôn và chưa đủ.
Trên hết, Lean là một triết lý quản trị trong kinh doanh (business philosophy) mà sản xuất chỉ là một phần của chuỗi cung ứng hoặc phải được hiểu theo nghĩa thoáng hơn khi khái niệm sản xuất thậm chí còn không tồn tại trong các ngành dịch vụ.
Lean dựa trên 2 nền tảng là loại bỏ lãng phí và cải tiến liên tục để tối ưu hóa quy trình, tiết giảm đến mức thấp nhất chi phí đầu vào (nhân lực, vật tư, trang thiết bị, thời gian, mặt bằng, năng lượng,..) nhưng lại tối đa hóa được giá trị mang đến cho “Khách hàng”.
Vậy nếu nhân vật “Khách hàng” đó là chính bản thân của các bạn thì sao ?
Hãy tiếp cận Lean theo góc nhìn mới: TRIẾT LÝ SỐNG TINH GIẢN, tương tự như lối sống tối giản Danshari của Nhật, bình thản an nhiên của quốc gia hạnh phúc Bhutan hoặc Minimalism của một số nước phương Tây. Hãy bắt đầu từ nguyên lý số 1 của Lean (xem hình minh họa) để biết buông bỏ những thứ vô giá trị, phù phiếm, tham sân si (cả về vật chất lẫn tinh thần), tập trung nỗ lực của bạn vào những giá trị đích thực, vẽ nên một bản thiết kế đẹp cho một cuộc sống tinh giản, hạnh phúc.
Ai muốn cùng tôi làm họa sĩ phác họa nên những nét vẽ đầu tiên này, vui lòng cho biết giá trị cốt lõi của bạn trong phần bình luận dưới đây. Chúng ta sẽ bàn tiếp về chủ đề thú vị này theo trình tự 5 nguyên lý nhé.
Lean trong tiếng Anh có nghĩa là sự tinh gọn, mạch lạc hay liền mạch. Các cấp độ khác nhau bao gồm: lean manufacturing (sản xuất tinh giản), lean enterprise (doanh nghiệp tinh gọn) và lean thinking (tư duy tinh gọn).
Thuật ngữ "Lean manufacturing" lần đầu xuất hiện năm 1990, trong cuốn "The Machine that Changed the World" (Cỗ máy làm thay đổi thế giới) của các tác giả Daniel Jones, James Womack và Danile Roos. Lần đầu tiên Lean được sử dụng làm tên gọi cho hệ phương pháp sản xuất tinh gọn, liên tục cải tiến các quy trình kinh doanh.
KHOA NGUYEN
Comentários